Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2010

CÀI MỚI HỆ ĐIỀU HÀNH Ubuntu 10.04 bằng TIẾNG VIỆT (không cần xóa bỏ Windows)

Bạn không phải lo lắng về Hệ điều hành Windows đã cài. Bởi vì trong quá trình cài đặt, Ubuntu sẽ tự phát hiện và tạo ra một mục khởi động cho Windows. Tức là mỗi khi bật máy tính, bạn có thể chọn hoặc khởi động vào Windows, hoặc khởi động vào Ubuntu.


Bước 1 - Tạo một nguồn cài đặt:

Download file ảnh "ISO" của Ubuntu 10.04 tại: http://www.ubuntu.com/getubuntu/download

Ubuntu có các phiên bản cho cả kiến trúc 32-bit và 64-bit, tùy theo cấu hình máy của bạn mà tải bản phù hợp. Bản 32-bit có thể cài cho cả máy 64-bit nhưng chỉ dùng được 3Gb RAM, dù cho RAM máy tính của bạn có nhiều hơn thế. Trong ảnh dưới tôi chọn máy chủ download là Taiwan, phiên bản Ubuntu 32-bit:



Sau đó ghi file ISO ra đĩa CD bằng phần mềm ghi đĩa nào đó (có 1 chương trình ghi đĩa miễn phí rất hay cho Windows là ImgBurn, download tại: http://www.imgburn.com/index.php?act=download

Hoặc ghi file ISO này vào USB bằng chương trình Unetbootin (chương trình này chạy được trên Windows, download tại: http://unetbootin.sourceforge.net). Hoặc chương trình Universal USB Installer, download tại: http://www.pendrivelinux.com/universal-usb-installer-easy-as-1-2-3).


Bước 2 - Khởi động và chạy thử Ubuntu từ CD hoặc USB:

Bây giờ bạn khởi động lại máy bằng CD hoặc USB. Lưu ý là với những máy tính không mới lắm, để khởi động bằng USB thì có thể bạn phải chỉnh lại mục boot trong Bios.

Trong cửa sổ cài đặt hiện ra như bên dưới, tôi chọn "Tiếng Việt", rồi chọn "Thử Ubuntu 10.04 LTS":




Bước 3 - Phân vùng ổ cứng để chuẩn bị cho việc cài đặt:

Ubuntu đã khởi động xong ở trạng thái "live". Bây giờ, để cài Ubuntu mà không phải gỡ bỏ Windows tôi sẽ phân vùng lại ổ cứng để tạo thêm phân vùng riêng cho Ubuntu. Tôi vào "System --> Administration --> GParted":



GParted là chương trình phân vùng ổ đĩa rất mạnh và dễ dùng, nó hỗ trợ hầu như tất cả mọi loại định dạng file, như bạn có thể thấy ở 2 hình dưới:





Ubuntu hay các phân phối Linux khác cần tối thiểu 2 phân vùng để cài đặt. Một phân vùng để cài các file hệ thống ("/" - thường dùng định dạng file là "ext3" hoặc "ext4", trung bình khoảng 5 đến 15Gb), và một phân vùng làm vùng trao đổi (SWAP - hiểu nôm na là Ram trên ổ cứng, trung bình khoảng 1 đến 4Gb) với định dạng là "linux-swap". Phân vùng trao đổi này chỉ cần 1, cho dù trên máy bạn cài nhiều hệ điều hành Linux khác nhau.

Ảnh phía dưới đây là cấu trúc phân vùng ổ cứng trên máy tính của tôi. Bạn để ý các cột (Tab): Cột "Partition" là thứ tự các phân vùng. Cột "Flie System" là loại định dạng file. Cột "Mount Point" cho ta biết phân vùng đó được dùng làm gì trong hệ thống (hệ điều hành đang chạy). Cột "Label" là tên (nếu có) đã được đặt cho các phân vùng...

Hình chiếc chìa khóa ở cột "Partition" có nghĩa là phân vùng đó đang được dùng. Nếu muốn chỉnh sửa phân vùng này ta phải nhấn chuột phải vào, rồi chọn "UnMount" (nếu có thể) để gỡ nó ra khỏi hệ thống:



Phân vùng /dev/sda1 (tên là Win7) được cài Windows 7 từ đầu, có định dạng Ntfs.

Phân vùng /dev/sda2 (tên là Mint64) tôi cài Linux Mint 8, định dạng file là Ext4.

Phân vùng /dev/sda3 (chưa đặt tên) tôi cài Ubuntu 10.04, định dạng Ext4.

Phân vùng /dev/sda4 là phân vùng Extended (phân vùng mở rộng), để tôi có thể chia nhỏ nó thành 4 phân vùng con. Trong đó /dev/sda5 (tên là Linux) và /dev/sda6 (tên là Distro) có định dạng Ext3, dùng để chứa dữ liệu cần an toàn cao (Windows không đọc được các loại định dạng của Linux, nhưng Linux đọc được định dạng của Windows).

Phân vùng /dev/sda7 dùng làm SWAP cho Linux (linux-swap)

Cuối cùng là phân vùng /dev/sda8 (tên là Data) để chứa dữ liệu chung cho cả Windows và Linux, với định dạng Ntfs

Bạn cũng nên tham khảo thêm cách phân vùng ổ cứng và cài đặt Ubuntu 8.10 (hình như thế) từ đĩa CD ở forum Ubuntu-vn: http://forum.ubuntu-vn.org/viewtopic.php?f=58&t=1504


Bước 4 - Cài Ubuntu vào ổ cứng:

Sau khi phân vùng xong, ta tiến hành cài Ubuntu vào ổ cứng với các bước tuần tự như các hình bên dưới:







Cẩn thận ở bước cài đặt số 4 này. Ở đây tôi chọn "Xác định phân vùng thủ công (cao cấp)". Các hình minh họa dưới đây được chụp khi tôi cài Ubuntu trên máy ảo VirtualBox, nên ổ cứng chỉ có 2 phân vùng:



Tôi nhấp phải chuột trên phân vùng /dev/sda1 rồi chọn "đổi":



Ở mục "Dùng làm" tôi chọn "Hệ thống tập tin nhật ký Ext4" (tức là dạng file hệ thống).

Ở mục "Điểm lắp" (Mount Point) tôi chọn "/" (tức là nơi để cài các file hệ thống cho Ubuntu).



Lưu ý là tôi không đánh dấu mục "Định dạng phân vùng" (Format) vì phân vùng này còn trống, tôi mới tạo nó bằng "Gparted" ở bước 3.

Phân vùng /dev/sda2 là phân vùng SWAP cũng mới được tạo bằng "Gparted", nên tôi không cần thay đổi gì nó:



Nhập các thông tin cần thiết:





Thư giãn khoảng 15 phút trong lúc xem Ubuntu cài đặt và tự giới thiệu:



Sau khi cài đặt xong, bạn restart lại máy (nhớ bỏ đĩa CD hoặc USB cài đặt ra đã nhé), và thưởng thức:



Sau đây, có thể ta sẽ cần làm một số việc nữa, như kích hoạt bộ gõ Tiếng Việt, cài thêm font chữ, cài thêm các Codec (mã hóa và giải mã) để có thể chơi được MP3, DVD bản quyền, cài thêm Flash để xem Youtube... Hoặc cài thêm phần mềm và tùy biến giao diện Ubuntu cho hợp gu của bạn.


Những điều đó xin khất bạn trong các Blog sau. Chúc vui! :)


(Bài viết này và bình luận trên Ubuntu-VN: http://forum.ubuntu-vn.org/viewtopic.php?f=58&t=9451)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét