Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2010

Linux có thật sự đáng giá? & Xây dựng máy tính < 4tr

Post lại bài của người khác :D


*** Bài 1: Linux có thật sự đáng giá?

Nguồn: http://www.pcworld.com.vn/articles/tin-tuc/binh-luan/2010/08/1220370/linux-co-that-su-dang-gia

Nhiều người cho rằng Linux miễn phí nhưng rất khó sử dụng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc chuyển sang sử dụng một hệ điều hành nguồn mở như Linux lại dễ dàng hơn.

>> Mười lý do sử dụng Linux thay Windows

Thực tế cho thấy, các hãng sản xuất hệ điều hành (HĐH) cạnh tranh với Linux luôn cho rằng Linux khó sử dụng và đây chính là 1 trong số cách thức mà các hãng thường áp dụng để khiến người dùng mới "tránh xa" Linux. Ở một chừng mực nào đó, Windows và Linux đang cùng phát triển để phục vụ những nhóm khách hàng nhất định, còn việc Linux có dễ sử dụng hay không, người dùng là người quyết định.


Linux không phải là Windows



Lấy ví dụ, khi người Mỹ học lái ôtô, họ học cách lái xe ở làn đường bên phải. Trong khi đó, tại Anh, người học phải lái xe ở bên trái. Nói một cách công bằng, không có cách lái nào khó hơn, mà đó chỉ là sự khác biệt. Một khi bạn đã quen sử dụng một điều gì đó, dĩ nhiên, bạn sẽ cảm thấy khó khăn (và thậm chí lúng túng) khi lần đầu tiên sử dụng một cái gì khác. Với HĐH trên máy tính cũng vậy. Linux đơn giản, trang nhã và có tính lôgíc cao, song HĐH này hoạt động hoàn toàn khác so với Windows và cả Mac.

Ví dụ trong Linux, giao diện đồ họa người dùng (Graphic User Interface - GUI) có khả năng tùy biến ở mức cao. Màn hình nền có thể được tùy chỉnh một cách toàn diện và công cụ quản lý các gói ứng dụng cài đặt - như Synaptic trong Linux Ubuntu - cho phép người dùng cài đặt ứng dụng chỉ trong vài cú nhấn chuột mà không cần phải kết nối web hay tìm kiếm khoá bản quyền được yêu cầu. Hơn thế nữa, thực tế là nhiều phần mềm dành cho Linux được cung cấp miễn phí và trong vài trường hợp người dùng không cần đến tiện ích phòng chống virus.

Dù vậy, với những người dùng đã am hiểu máy tính trên nền Mac hay Windows thì Linux có thể gặp phải đôi chút lạ lẫm ở lần đầu tiên sử dụng. Theo kết quả khảo sát gần đây của công ty số liệu Net Applications, phần đông người dùng trên thế giới vẫn đang sử dụng Windows và Mac. Tuy nhiên, Linux vẫn có những ưu điểm nhất định và đang dần hiện diện trên máy tính cá nhân, máy chủ và thậm chí các trung tâm dữ liệu.


Tính chủ động cao

Linux cho phép người dùng làm mọi thứ mong muốn trên máy tính mà không đòi hỏi nhiều tài nguyên hệ thống, các ứng dụng đắt tiền hay sự tập trung dài hạn trong công tác phòng chống phần mềm nguy hại (malware). Thay vì "cản đường" người dùng với những giao diện hạn chế những gì có thể được thực hiện và cách thực hiện ra sao, Linux dường như dành trọn sự tự do cho người dùng.

Nhiều ứng dụng cho Linux rất thân thuộc với hầu hết người dùng, đặc biệt là các ứng dụng văn phòng cơ bản. Điển hình, bộ ứng dụng OpenOffice có thể hoạt động tốt như trên Windows, và trông rất giống Microsoft Office. Một điểm cộng mới OpenOffice nữa là khả năng tương thích với Office, do đó ứng dụng này có thể mở và xử lý dễ dàng các tập tin Office. Còn để lướt web, người dùng Linux tin tưởng sử dụng trình duyệt Firefox miễn phí với tốc độ cao và khả năng an toàn ở mức có thể chấp nhận được. Dĩ nhiên, vài trang web được xây dựng "độc quyền" cho IE phần nào khiến Firefox chịu lép vế.

Nhìn chung, với Linux và các ứng dụng trên nền tảng HĐH nguồn mở này, người dùng có thể tự do làm mọi thứ tùy thích cũng như sử dụng mọi tính năng như từng thực hiện trên Windows hay Mac nhưng điểm khác biệt là ngân sách đầu tư ít hơn và thậm chí dễ dàng hơn trong vài trường hợp.


Các câu lệnh phức tạp



Nhiều người dùng mới bắt đầu sử dụng Linux thường kêu ca về các câu lệnh phức tạp trên HĐH này. Câu trả lời: Hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, với nhu cầu sử dụng hàng ngày, bạn gần như không cần học bất kỳ thủ thuật hay kỹ thuật nào. Trong khi đó, với dân kỹ thuật hay giới quản trị mạng, các câu lệnh điều khiển hay quản trị không quá xa lạ.

Khi bạn bắt đầu quen với phiên bản/nhà cung cấp Linux đã chọn, bạn có thể muốn bắt đầu học cách sử dụng các câu lệnh Unix/Linux, tuy nhiên việc này không hoàn toàn bắt buộc trừ khi bạn hướng đến nhu cầu sử dụng thuần thục HĐH này cho doanh nghiệp. Dĩ nhiên, quản lý một máy chủ Linux là một việc rất khác với quản lý một máy chủ Windows. Còn nếu bạn chỉ sử dụng Linux cho máy tính cá nhân, mọi thứ hoàn toàn dễ dàng nếu bạn từng sử dụng một HĐH khác trước đây.


Vấn đề tương thích

Cuối cùng, sự tương thích phần cứng và phần mềm là một vấn đề lớn thường khiến cho nhiều khách hàng tiềm năng của Linux nhận thấy HĐH này quá khó để sử dụng. Thực tế là, có khá nhiều ứng dụng và thiết bị phần cứng không chạy được với Linux - hay không hỗ trợ Linux - bởi các nhà phát triển chúng chọn giải pháp giấu mã nguồn, trình điều khiển thiết bị cần thiết.

Tuy nhiên, điều này đang dần được cải thiện và ngày càng có nhiều giải pháp thay thế cho các ứng dụng, thiết bị không thể hoạt động trên nền Linux. Ngoài ra, người dùng có thể chọn cách sử dụng các gói giải pháp như Wine hay Crossover Linux để chạy các ứng dụng nền Windows trong môi trường Linux. Đáng mừng hơn nữa, cộng đồng các nhà phát triển ứng dụng cho Linux đang phát triển mạnh và làm việc chăm chỉ nhằm giúp cho HĐH này thậm chí dễ dàng sử dụng hơn nữa trong tương lai.

Linux không có gì là quá khó khăn để sử dụng. Dĩ nhiên, sự thay đổi nào cũng có thể gặp khó khăn, đặc biệt khi bạn phải học cách thay đổi những thói quen đã có từ lâu. Với doanh nghiệp nhỏ, tiết kiệm ngân sách chính là kết quả lớn nhất và hấp dẫn nhất từ việc sử dụng Linux và các ứng dụng miễn phí trên nền tảng này. Cạnh đó, với Linux, việc phải thường xuyên mua bản quyền phần mềm, nâng cấp phần cứng sẽ được giảm thiểu tối đa.

Nguồn: Techworld



*** Bài 2: Xây dựng một máy tính để bàn dùng cho học tập dưới 4 triệu đồng

(Nguồn: http://www.khoahocphothong.com.vn/news/detail/5172/xay-dung-mot-may-tinh-de-ban-dung-cho-hoc-tap-duoi-4-trieu-dong.html)



Bài viết dưới đây sẽ tư vấn cho bạn làm thế nào để xây dựng một hệ thống desktop PC có giá chưa đến đến 4 triệu đồng (dưới 200 USD), chưa kể màn hình) có thể gánh vác đủ công việc học tập của các tân sinh viên và có thể sẵn sàng nâng cấp sau này khi có thêm điều kiện.


Những yếu tố quan trọng khi sắm một hệ thống máy tính

1. Cần trang bị bộ xử lý lõi đôi: giá càng ngày càng rẻ hơn, hiệu suất làm việc tốt hơn nhiều so với lỗi đơn là những gì mà thế hệ chip dual-core mang lại. Ngay cả một chip dual-core giá rẻ cũng cung cấp những công việc mà bộ xử lý lõi đơn không thể làm được, do đó bạn không nhất thiết phải mua một chip lõi đôi mắc tiền nếu ngân sách không đủ.

2. Hệ thống có thể dễ dàng nâng cấp: sự cải tiến về công nghệ hiện nay có tốc độ rất nhanh. Món hàng bạn mới mua hôm nay, nhưng chắc chắn sẽ lạc hậu sau một thời gian không xa lắm. Bạn hãy xác định con đường nào để có thể dễ dàng nâng cấp về sau để không còn bị lạc hậu.

3. Không cần phải Windows: đây là điều mà bạn nên quan tâm, vì sản phẩm của Windows phải bỏ tiền ra để mua với giá khá là đắt đối với sinh viên. Thay vào đó, bạn có thể chọn Linux, được cung cấp miễn phí, và hiện nay cũng có rất nhiều phần mềm ứng dụng hỗ trợ cho công việc của bạn chạy trên nền hệ điều hành này. Hơn nữa, đây cũng là cách để bạn làm quen với những giải pháp miễn phí sau này.

4. Không cần công việc quan trọng: khi sở hữu một hệ thống rẻ, bạn phải xác định nó chỉ thực hiện những yêu cầu hàng ngày cơ bản như duyệt web, mail, tạo văn bản... mà không thực hiện những công việc chuyên môn thuộc các lãnh vực khác, như biên tập video hay chơi những game “khủng” chẳng hạn.


Chọn mua các thành phần quan trọng cho máy

Với ngân sách của mình, bạn cần thực hiện công việc thiết lập quy tắc mặt bằng chung để sẵn sàng mua sắm sản phẩm. Tùy theo từng cửa hàng mà bạn chọn cho mình sản phẩm phù hợp. Dưới đây là giá của một số sản phẩm trên thị trường thế giới mà bạn có thể tham khảo.

1. Bo mạch chủ: Foxconn A6GMV (39,99 USD) là lựa chọn sáng giá với chất lượng cùng khả năng hỗ trợ rất tốt cho các bộ xử lý sau này. Đây là bo mạch trang bị cho bộ xử lý của AMD có mức giá hợp lý. Ba lý do bạn nên chọn mua loại bo mạch này ngoài lý do kinh tế: hỗ trợ socket AM3 của AMD nên bạn có thể nâng cấp lên một CPU mạnh hơn về sau, hỗ trợ DDR3 1333 MHz cung cấp cho hệ thống một hiệu suất làm việc tốt nhất. Và cuối cùng là card đồ họa tích hợp giúp bạn không phải bỏ ra số tiền khá lớn để mua card đồ họa rời.

- Bộ vi xử lý: AMD Athlon II X2 245 (58,99 USD) là mẫu CPU lõi đôi có giá hợp lý hơn nhiều khi nó thuộc dòng thế hệ mới của AMD, cung cấp xung nhịp lên đến 2.9 GHz. Bộ xử lý này cung cấp một hiệu suất vững chắc cho hệ thống của bạn, nâng cao hiệu quả làm việc của một máy tính để bàn giá rẻ.

- Bộ nhớ RAM: Crucial CT12864BA1339 1 GB (24,99 USD) có thể sẽ là lựa chọn cho bạn. Chỉ cần khoảng 1 GB là đủ để đáp ứng tất cả mọi thứ của bạn, dù cho 1GB RAM không phải là lựa chọn tốt cho những hệ thống ngày nay. Bộ nhớ này chạy ở tốc độ 1333 MHz, thích hợp với bo mạch chủ đã chọn (PC3 10600) và dư sức chạy hệ điều hành Linux (yêu cầu tối thiểu 512 MB) mà bạn định chọn.

- Ổ đĩa cứng: 160 GB Seagate Barracuda 7200 (38,99 USD) là vừa đủ để phục vụ nhu cầu lưu trữ, cài đặt hệ điều hành đối với một sinh viên, vì Linux đã đi kèm nhiều ứng dụng để bạn sử dụng. Không gian trống của nó đủ để bạn thực hiện việc sao lưu hình ảnh, file nhạc MP3...

- Thùng máy (case) và bộ nguồn (power supply): bạn có nhiều lựa chọn thùng máy đi kèm nguồn máy tính, tiêu biểu có thể kể đến Rosewill R424BK với PSU 350 watt (29,99 USD). Bạn sẽ phải đối diện với nhiều nguy hiểm không lường trước được khi sử dụng một bộ nguồn chất lượng không được kiểm định, so với những bộ nguồn đã có tên tuổi của Acbel, Cooler Master... nhưng nó phù hợp với hệ thống rẻ tiền mà bạn cần mua.

Với cấu hình như vậy, bạn chỉ phải bỏ ra khoảng 192,95 USD mà thôi (chưa kể màn hình, bàn phím, chuột và ổ quang, trong số này ổ quang là thứ bạn có thể bỏ qua nếu như muốn tiết kiệm chi phí mua sản phẩm). Bạn có thể chọn phiên bản Ubuntu 10.04 LTS miễn phí, đây là hệ điều hành được đánh giá cao nhất trong các hệ điều hành nhân Linux. Nếu không muốn sử dụng Linux, bạn có thể chọn phiên bản Windows XP SP3 để nhận được sự hỗ trợ từ Microsoft, tuy nhiên bạn phải chấp nhận sử dụng hàng "không bản quyền" với một số thiệt thòi nhất định.

(Lược dịch từ Extremetech)

NTTC


Xem bài viết này và bình luận trên Ubuntu-VN: http://forum.ubuntu-vn.org/viewtopic.php?f=80&t=11168

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét